Viện thẩm mỹ Adora (25 Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng) mạo danh để câu kéo khách hàng

13/04/2023 11:05

Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở hành nghề thẩm mỹ và quảng cáo trái phép. Nhưng theo ghi nhận của Sức Khỏe Việt, tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan trên mạng internet, đơn cử như Viện thẩm mỹ Adora có địa chỉ tại số 25 Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, HN (CS2: Bệnh viện đa khoa Tân Hưng; CS3: 725 Điện Biên, TP. Yên Bái) đã đăng tải nhiều nội dung quảng cáo trên website dù chưa được cấp phép và có dấu hiệu mạo danh để lấy lòng tin của khách hàng.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên website https://vienthammyadora.vn/ thuộc Viện thẩm mỹ Adora địa chỉ tại 25 Bùi Thị Xuân, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (CS2: Bệnh viện đa khoa Tân Hưng; CS3: 725 Điện Biên, TP. Yên Bái) có gắn logo “Đã thông báo với Bộ Công thương” ở dưới góc trái của website, điều này có nghĩa những thông tin đăng tải trên website của Viện thẩm mỹ Adora đã được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước nhằm tăng uy tín cho website. Nhưng, trên thực tế tại thời điểm tháng 4/2023, logo “Đã thông báo với Bộ Công thương” đang sử dụng trên website của Viện thẩm mỹ Adora vẫn chỉ là logo giả mạo. Vì, logo gắn trên website của Viện thẩm mỹ Adora thực chất là hình ảnh “chết”, không hề có liên kết đến website http://online.gov.vn/ của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công thương theo nguyên tắc thông thường của những trang web đã đăng ký. Để khẳng định đây là “chứng nhận” đăng ký giả mạo, phóng viên truy cập vào website http://online.gov.vn/ của Bộ Công thương để tra cứu tên miền VIENTHAMMYADORA.VN và kết quả trả về từ website chính thức của cơ quan này là “Không có dữ liệu”, điều đó khẳng định website https://vienthammyadora.vn/ chưa từng đăng ký với Bộ Công thương.

79dc1caaa549c70777b1cdb25e5ce51f-1681357988.jpg
Logo “Đã thông báo với Bộ Công thương” trên website của Viện thẩm mỹ Adora là giả mạo.

Ngoài ra, trên website của Viện thẩm mỹ Adora cũng sử dụng nhiều ngôn ngữ quảng cáo rất hoành tráng như “Công nghệ làm đẹp TOP 1 Hàn Quốc: Viện thẩm mỹ Adora tự hào là địa chỉ làm đẹp dẫn đầu xu thế với loạt công nghệ thẩm mỹ tiên tiến hàng đầu từ Hàn Quốc, được chuyển giao và ứng dụng độc quyền tại Việt Nam.”; “Trị liệu tế bào gốc số 1 Nhật Bản”, rồi tự nhận mình là “địa chỉ làm đẹp uy tín TOP 1 Việt Nam”… tung hô là vậy, nhưng tìm kỹ trên website của Viện thẩm mỹ Adora lại không thấy bất kỳ tài liệu, chứng nhận nào chứng minh cho nội dung “dẫn đầu”, “tiên tiến”, “số 1”, “độc quyền”, “TOP 1” mà đơn vị này sử dụng nhằm thuyết phục khách hàng.

58250c5f0bb07452acfd7b685607477e-1681357988.jpg
Luôn tự nhận mình nằm trong "TOP 1"

Dư luận đặt câu hỏi Viện thẩm mỹ Adora đã xin phép cơ quan quản lý xác nhận nội dung quảng cáo như trên hay chưa? Và cơ quan, tổ chức nào công nhận, xác nhận thành tích ấn tượng đó của Viện thẩm mỹ Adora hay cơ sở này chỉ tự phong để đánh bóng thương hiệu nhằm thu hút khách hàng?

ee0a5e6190ed28824a229e8e5d586245-1681357988.jpg
Khẳng định uy tín TOP 1 Việt Nam?

Hiện tại, thẩm mỹ viện Adora cũng đang quảng cáo thực hiện nhiều dịch vụ làm đẹp trên website và fanpage (https://www.facebook.com/adora.clinic), trong đó có dịch vụ nâng cao đang thu hút khách hàng như “Liệu pháp exosome – Trị liệu tế bào gốc số 1 Nhật Bản”. Viện thẩm mỹ Adora khẳng định là đối tác độc quyền chính thức của Viện Nghiên cứu Trung tâm Tế Bào Gốc số 1 Nhật Bản. Kèm lời quảng cáo: “Không giống như thuốc uống phải đi qua hệ thống tiêu hóa và trao đổi chất, trị liệu tế bào gốc Exosome được đưa trực tiếp vào máu, tạo ra tỷ lệ hấp thu 100% từ đó mang lại hiệu quả tối đa cho sức khoẻ tổng thể.”. Theo như đơn vị này quảng cáo thì đã có hàng ngàn người sử dụng mỗi năm dịch vụ cao cấp này. Vậy, dịch vụ này đã được cơ quan nào cấp phép để thực hiện? tiêu chuẩn về sinh phẩm “tế bào gốc” của Viện thẩm mỹ Adora sử dụng có đạt tiêu chuẩn và được phép lưu hành hay không? Dư luận mong chờ câu trả lời từ cơ quan chức năng.

6d50d44ee8c3f6fd930c1a41ee5abac3-1681357988.jpg
Dịch vụ "Trị liệu tế bào gốc số 1 Nhật Bản" được quảng cáo trên website của Viện thẩm mỹ Adora

Theo Khoản 11, Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định: Quảng cáo có sử dụng từ ngữ “số một”, “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là hành vi cấm.

Theo Khoản 2, Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP: Hành vi sử dụng các từ “nhất”, “tốt nhất”, “duy nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có nghĩa tương đương mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh thì có thể bị:

- Xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng.

- Bộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Đặc biệt, nếu cá nhân/ tổ chức vi phạm cố tình sử dụng từ “nhất”, “số một” để quảng cáo gian dối, lừa gạt người tiêu dùng sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, Khoản 7 Điều 1 Thông tư 09/2015/TT-BYT quy định: "Trước khi thực hiện quảng cáo trung tâm thẩm mỹ thì phải thực hiện xin giấy phép quảng cáo trung tâm thẩm mỹ viện".

Theo quy định tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP đối với hành vi quảng cáo không xin phép với trung tâm thẩm mỹ viện thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính: "Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định".

Trường hợp vi phạm còn có thể bị áp dụng một số hình phạt bổ sung như buộc tháo dỡ, chấm dứt, xóa quảng cáo.

Ngoài những quy định xử phạt trên, pháp luật còn quy định nhiều nhóm hành vi vi phạm khác nhau như: Vi phạm các quy định chung về quảng cáo; vi phạm về quảng cáo trên các loại phương tiện khác nhau; vi phạm về quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt tùy từng hành vi vi phạm mà bị xử phạt ở các mức khác nhau. tùy từng hành vi vi phạm mà bị xử phạt ở các mức khác nhau.

Tân Hạ (t/h)