Tin bất động sản ngày 7/3

08/03/2022 10:17

"Điểm danh" 11 trường hợp vi phạm đất đai ở tỉnh Quảng Nam; Khi nhà ở giá rẻ khan hiếm, nguồn cung nào thay thế?; Bất động sản thời Covid-19 có còn hút khách?; Giá đất Củ Chi tăng chóng mặt... là tin bất động sản nổi bật trong ngày hôm nay.

Bất động sản phía Tây Thủ đô trở thành “cửa sáng” của giới đầu tư

Dòng vốn đầu tư lớn chưa từng có đang đổ về phía Tây Hà Nội giúp cơ sở hạ tầng giao thông khu vực này “thay da đổi thịt” từng ngày. Chính nhân tố này sẽ tạo cú hích tăng giá cho thị trường bất động sản khu vực này, trong đó các dự án hàng hiệu như Vinhomes Smart City sẽ nhận lực đẩy mạnh mẽ hơn khi có sự cộng hưởng của nhiều ưu thế đắt giá khác.

Trong khoảng 10 năm nay, phía Tây Hà Nội nhận được “làn sóng” đầu tư mạnh mẽ để hoàn thiện hạ tầng. Nhờ đó, hàng loạt dự án giao thông lớn đã hình thành, như: Đại lộ Thăng Long, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, trục đường hướng tâm Tố Hữu – Lê Văn Lương... Các trục đường lớn cũng được mở rộng, nâng cấp như Nguyễn Xiển - Đại lộ Chu Văn An - Xa La; tuyến đường Vành đai 2,5 chạy qua các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ...

null
Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm hoàn thành ở phía Tây Hà Nội góp phần tạo mặt bằng giá mới cho thị trường bất động sản.

Trong giai đoạn 2021-2025, hơn 332 nghìn tỷ đồng sẽ được rót vào 460 dự án giao thông trên toàn thành phố Hà Nội, trong đó, 443 dự án đặt mục tiêu hoàn thành tiến độ. Đáng chú ý là cả 7 tuyến vành đai bao quanh Thủ đô đều có hợp phần chạy qua khu vực phía Tây. Ngay từ lúc này đã có thể hình dung về mạng lưới giao thông dày đặc trong tương lai. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để kết nối trung tâm Hà Nội với các khu vực mới phát triển, nhất là lưu thông huyết mạch tới các 5 “thành phố trong thành phố” mà 3 trong số này nằm ở khu vực phía Tây, gồm các đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây và Xuân Mai.

Bất động sản thời Covid-19 có còn hút khách?

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều biến động do dịch bệnh Covid-19, bất động sản được nhận định vẫn sẽ là kênh đầu tư an toàn, có thể không sinh lời nhanh chóng nhưng chắc chắn và bền vững. Đặc biệt, các dự án hội tụ nhiều ưu điểm vượt trội sẽ vẫn thu sự quan tâm của các nhà đầu tư thông minh.

Trải qua hai năm biến động vì dịch bệnh, mọi lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nặng nề. Đầu tư vào đâu là an toàn ở thời điểm hiện tại chính là câu hỏi băn khoăn của rất nhiều người. Tại Hội thảo “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 11/2021, các chuyên gia nhận định, giữa các kênh đầu tư đa dạng, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn, sinh lời tốt. Khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, giá bất động sản có xu hướng tăng ở mức cao do nguồn cung hạn chế mà nhu cầu nhà ở lại cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… đều tăng.

Cũng theo các chuyên gia, các loại hình bất động sản như nhà phố, đất nền, nghỉ dưỡng hay căn hộ… đều có thể đầu tư tốt trong thời điểm này. Đặc biệt, những dự án có vị trí đẹp tại các thành phố lớn, thuận lợi về giao thông, đa dạng về tiện ích, đáp ứng các tiêu chuẩn sống xanh, sống nghỉ dưỡng  đang trở thành tâm điểm thu hút các nhà đầu tư.

"Điểm danh" 11 trường hợp vi phạm đất đai ở tỉnh Quảng Nam

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai để thông tin công khai về các doanh nghiệp sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai.

Qua kết quả tổng hợp, rà soát, cơ quan này khẳng định hàng năm UBND tỉnh Quảng Nam đều trực tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Tính từ ngày 1/7/2014 đến ngày hết năm 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tổ chức thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh hoặc theo đề nghị của UBND các huyện thị xã, thành phố đối với các đơn vị, tổ chức sử dụng đất. Qua đó phát hiện 62 đơn vị, tổ chức (thống kê chưa đầy đủ) có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã thực hiện thu hồi diện tích đất 13.619.684 m2 do vi phạm pháp luật.

Ngoài ra có một số đơn vị sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê đất không đúng đối tượng, chuyển mục đích khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đã bị xử lý và buộc phải thực hiện đúng quy định.

Đến thời điểm ngày 31/12/2021, có 18 đơn vị đã khắc phục các sai phạm có liên quan, hiện nay còn có 11 đơn vị, tổ chức sử dụng đất có vi phạm pháp luật theo quy định tại Nghị định số 43/2014 của Chính phủ: "Dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; các dự án được gia hạn; các dự án chậm tiến độ sử dụng đất vì lý do bất khả kháng".

Giá đất Củ Chi tăng chóng mặt, nhà đầu tư cẩn thận "ôm bom"

Chỉ vài ngày sau khi có đề xuất đưa Củ Chi lên thẳng thành phố, giá mỗi lô đất 100-500 m2 ở các xã Nhuận Đức, Bình Mỹ, Tân Phú Trung... tăng 200-500 triệu đồng.

Những ngày qua, giới đầu cơ đất ở khu vực huyện Củ Chi (TP.HCM) đã đồng loạt cập nhật bảng giá mới. Tùy vào khu vực, vị trí, diện tích, hệ thống hạ tầng, các "đầu nậu" đưa ra những mức tăng khác nhau.

"Tăng cao nhất là khu vực xã Nhuận Đức và Bình Mỹ, tăng giá từng ngày. Em mua sớm đi, tình hình này qua tuần là lại có bảng giá mới, cao hơn giá bây giờ ít nhất cũng vài chục triệu đồng", Nguyễn Tiến - một "cò đất" giới thiệu.

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Phan Công Chánh - chuyên gia bất động sản tại TPHCM - cho hay, tình trạng tăng giá là phản ứng ngẫu nhiên mỗi khi có thông tin tích cực liên quan đến một khu vực nào đó. Phần tăng giá được gọi là giá kỳ vọng, giá kỳ vọng thay đổi là phản ứng nhanh tâm lý của người bán, không thể hiện cho thị trường.

"Trong giao dịch bất động sản có hai giá, giá kỳ vọng và giá giao dịch thị trường, hai giá này luôn có sự chênh lệch. Khi có thông tin tích cực liên quan đến khu vực nào, đất ở khu vực đó sẽ được người bán đẩy lên cao, đây gọi là giá kỳ vọng. Tuy vậy, giá kỳ vọng có được thị trường chấp nhận hay không cần một khoảng thời gian nhất định. Tôi chưa thấy giá thị trường ở Củ Chỉ có sự thay đổi so với trước đây, chưa thấy có dấu hiệu tăng cao về giao dịch", ông Chánh phân tích.

Bán vàng mua đất, nhiều nhà đầu tư mất ngay tiền tỷ

Thời điểm giá bất động sản khắp nơi tăng mạnh, nhiều nhà đầu tư F0 đã gom tiền, bán vàng, thậm chí đi vay để đầu tư vào nhà đất. Đặc biệt, khi giá vàng liên tục lập đỉnh mới, nhưng giá đất vẫn “bất động”, nhà đầu tư lại tỏ ra xuýt xoa tiếc nuối mất tiền.

Cơn sốt khiến giá đất tăng phi mã tại nhiều địa phương đầu năm 2021 đã thúc đẩy sự ra đời của không ít nhà đầu tư F0. Dù tham gia thị trường sau và kinh nghiệm không nhiều, tuy nhiên nhà đầu tư F0 lại cực bạo tay khi xuống tiền.

Theo anh Nguyễn Quốc Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội), đầu năm 2021 giá đất tăng cao, bạn bè anh tranh nhau đi xem, mua đất. Vì thấy mọi người kiếm tiền từ bất động sản dễ dàng, anh Hưng đã bán hết 30 lượng vàng để bắt đỉnh giá đất.

Anh Hưng kể: “Trước tới nay, gia đình tôi luôn có thói quen tích trữ vàng, cứ có tiền là vợ chồng tôi mua vàng hết và chưa bao giờ có ý định bán ra. Thời điểm đầu năm, giá đất tại nhiều địa phương tăng phi mã, nhiều bạn bè của tôi cũng giàu lên vì đất, tôi thì làm công việc văn phòng thôi nên cũng không có kinh nghiệm đầu tư gì. Thầy mọi người dễ kiếm tiền, nên tôi cũng bán hết 30 lượng vàng để đi mua đất”.

Sau nhiều lần đi lại, anh Hưng đã chốt mua lô đất rộng 150m2, với giá 15 triệu đồng/m2, tổng 2,25 tỷ đồng, trong đó hơn 600 triệu đồng là anh Hưng đi vay. Vừa mua xong 2 tuần, đã có người trả chênh 200 triệu đồng. Tưởng rằng sẽ có thể lãi thêm, tuy nhiên, mọi tính toán của nhà đầu tư này đều đổ vỡ khi các cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn chặn sốt đất.

Hà Nội sẽ kiểm tra, xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai

UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm rà soát danh sách các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.

Thực hiện chỉ đạo Thường trực Thành ủy Hà Nội về việc kiểm tra, xử lý dứt điểm các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 805/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, chỉ đạo xử lý sau thanh tra đối với các dự án này.

Tin bất động sản ngày 7/3 - Ảnh 2

Cùng với việc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, chỉ đạo xử lý sau thanh tra đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, Đoàn kiểm tra liên ngành có trách nhiệm căn cứ quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đất đai, nghĩa vụ tài chính... xây dựng nguyên tắc giải quyết đối với các dự án chậm triển khai để tổng hợp báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố thống nhất về nguyên tắc tại kỳ họp tháng 3/2022.

Khi nhà ở giá rẻ khan hiếm, nguồn cung nào thay thế?

Nhu cầu rất lớn, nhưng thời gian qua, trong tổng số các dự án mở bán TP.HCM không có thêm bất cứ một dự án nhà giá rẻ nào. Các thị trường khu vực lân cận như Bình Dương, Đồng Nai nổi lên với nguồn cung nhà ở giá rẻ lớn với giá bán vừa túi tiền.

Với nguồn cung hạn chế, giá bán của các sản phẩm nhà ở tại TP.HCM cũng neo ở mức cao trong giai đoạn cuối năm 2021. Riêng với dòng sản phẩm căn hộ, các dự án ở phân khúc trung bình tại TP.HCM đang có giá bán lên đến 56,5 triệu VND/m2. Trong khi đó, phân khúc nhà giá rẻ hầu như không có dự án nào mới được đưa ra thị trường.

Khi mà nguồn cung vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện tại TP.HCM, thì để những người có thu nhập trung bình thấp có thể tìm được chốn an cư vừa túi tiền, hai thị trường Bình Dương và Đồng Nai đang trở thành khu vực có nguồn căn hộ bình dân lý tưởng thay thế nhờ mức giá bán thấp và tốc độ đô thị hóa cao.

 khi mà nhà ở giá rẻ khan hiếm, nguồn cung vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện tại TP.HCM nói riêng hay các tỉnh, thành nói chung, thì để những người có thu nhập trung bình thấp có thể tìm được chốn an cư vừa túi tiền, hai thị trường Bình Dương và Đồng Nai… đang trở thành khu vực có nguồn căn hộ bình dân lý tưởng thay thế nhờ mức giá bán thấp và tốc độ đô thị hóa cao thời điểm này.

Về triển vọng thị trường BĐS Đông Nam Bộ năm 2022, đây sẽ là năm của sự phát triển mạnh mẽ từ nguồn cung đến nhu cầu đầu tư. Đặc biệt, năm 2022 sẽ ghi nhận hàng loạt dự án nhà ở giá rẻ được bung ra thị trường và tỷ lệ hấp thụ gần như 100% do nhu cầu quá lớn trong khi nguồn cung vẫn đang rất khan hiếm.

'Siết' phân lô bán nền, xử lý tình trạng dự án bỏ hoang

Cử tri kiến nghị đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở, quy định các chủ đầu tư phải đầu tư xây dựng số lượng căn nhà với tỷ lệ nhất định (tối thiểu 10%-30%) trên tổng số các lô đất của toàn dự án thì mới được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tránh tình trạng thiếu hụt về nhà ở, thừa đất, dự án bỏ hoang lãng phí.

Theo phản ánh của cử tri tỉnh Bình Phước, hiện nay, các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Đất đai quy định đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và khu đô thị có nhà ở trong một số trường hợp được thực hiện phân lô, bán nền sau khi đã đầu tư hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu.

Điều này dẫn đến một số khó khăn trong điều hành, quản lý của địa phương đó là: Đất nền phân lô các dự án khu dân cư tương đối nhiều nhưng nhiều trường hợp mua bán đất để đầu cơ chứ không có nhu cầu xây dựng nhà để ở.

Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị, đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở, quy định các chủ đầu tư phải đầu tư xây dựng số lượng căn nhà với một tỷ lệ nhất định (tối thiểu từ 10%-30%) trên tổng số các lô đất của toàn dự án thì mới được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tránh tình trạng thiếu hụt về nhà ở, thừa đất, dự án bỏ hoang lãng phí.

Bùi Hằng (T/h)
Bạn đang đọc bài viết "Tin bất động sản ngày 7/3" tại chuyên mục NHÀ ĐẤT.