Quy định của pháp luật và khuyến cáo của cơ quan chức năng khi đến làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ

28/05/2023 07:11

“Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết cách làm đẹp”, câu nói này có vẻ rất đúng với xã hội hiện nay. Với vẻ ngoài xinh đẹp, rạng rỡ, phụ nữ sẽ trở nên tự tin hơn. Do vậy, phụ nữ hiện đại không ngại bỏ thời gian và chi phí để phục vụ cho việc làm đẹp, chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, để làm đẹp nhưng đồng thời phải đảm bảo an toàn về sức khoẻ cũng như tính mạng, chị em cần chú ý những lưu ý đặc biệt quan trọng.

Mới đây, Viện thẩm mỹ Quốc tế Wonjin (số 93 Tô Hiệu, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa bị tố hoạt động không có giấy phép, thực hiện dịch vụ thẩm mỹ nâng ngực không có bảng giá dịch vụ, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng. Sau đó, Sở y tế Hà Nội chỉ đạo Phòng y tế Cầu Giấy kiểm tra xác minh và tiến hành xử phạt (nếu có). Đó mới chỉ là một trường hợp gần đây nhất, còn thực tế như báo chí đưa tin thì có rất nhiều cơ sở thẩm mỹ chui, các bác sĩ “tay ngang” bắt tay với các cơ sở không phép thực hiện dịch vụ thẩm mỹ dạo, nguy cơ đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Ngày 08/02/2023, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập. Thành phố đã thực hiện phân cấp công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập và giao UBND quận, huyện, thị xã thực hiện:

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố về hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn; có các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý theo đặc thù từng địa bàn; kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các cơ sở dịch vụ y, dược ngoài công lập hoạt động không phép, sai phép; tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh ngành nghề y, dược có sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

- Huy động các phòng, ban, đơn vị, tổ chức chính trị, xã hội tham gia công tác quản lý hoạt động các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hành nghề y, dược; tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh như: phòng khám đa khoa, cơ sở thẩm mỹ (bao gồm các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, các cơ sở dịch vụ làm đẹp...), phòng khám có yếu tố nước ngoài, phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt, phòng xét nghiệm, cơ sở kinh doanh dược...; rà soát các hoạt động quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh, trang thiết bị y tế, trang thiết bị chẩn đoán và điều trị, quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, dược liệu… Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở hành nghề trên địa bàn theo quy định. Tuyệt đối không để tình trạng cơ sở hành nghề y, dược không phép hoạt động.

- Công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của quận, huyện, thị xã và các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương về các tổ chức, cá nhân có vi phạm quy định pháp luật về hành nghề y dược ngoài công lập để người dân theo dõi, giám sát; nâng cao hiểu biết và ý thức lựa chọn dịch vụ y tế của người dân.

Chia sẻ với phóng viên TC Sức khoẻ Việt, Luật sư Lê Thị Thanh Hà – Phó Giám đốc Công ty Luật An Hoàng Gia, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: “Là phụ nữ ai cũng muốn được đẹp và đó nhu cầu chính đáng. Bản thân tôi cũng là phụ nữ, tôi cũng muốn mình luôn đẹp trong mắt chồng, con, bạn bè và đối tác. Tuy nhiên để làm đẹp nhưng đồng thời phải đảm bảo an toàn về sức khoẻ cũng như tính mạng, chị em cần chú ý những lưu ý chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín, có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Pháp luật”.

null
Luật sư Lê Thị Thanh Hà.

Luật sư Hà cũng cho biết không phải tất cả cơ sở cung ứng các dịch vụ làm đẹp đều thuộc sự quản lý của Ngành Y tế. Theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng các dịch vụ làm đẹp thành 3 nhóm khác nhau, đó là Cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp; Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Trong ba nhóm trên thì cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp không thuộc sự quản lý và cấp phép của Ngành y tế; Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ phải được Sở Y tế cấp phép hoạt động và Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thì không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng cần thông báo với Sở Y tế. Đây cũng chính là chỗ các cơ sở thẩm mỹ “chui” nhập nhằng, quảng cáo lập lờ, lừa dối người tiêu dùng. Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định về nhóm đối tượng trên tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành về và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Sở Y tế Thành phố Hà Nội cũng khuyến cáo trước khi quyết định sử dụng dịch vụ y tế tại các cơ sở thì người dân cần phải tìm hiểu kỹ các thông tin để đảm bảo không sử dụng dịch vụ y tế tại cơ sở không phép. Nếu phát hiện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phép cần thông báo ngay tới cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn để kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định. Sở Y tế thường xuyên cập nhật các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp phép và các cơ sở đã bị xử lý vi phạm trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế https://soyte.hanoi.gov.vn để người dân theo dõi, giám sát.

Theo đó thì cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Cơ sở vật chất: Có địa điểm cố định;

Trang thiết bị: Có đủ trang thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở;

Nhân sự: Người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp;

Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

* Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Khi người dân có nhu cầu sử dụng những dịch vụ này cần phải lựa chọn các cơ sở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Tại mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cấp giấy phép hoạt động phải có biển hiệu theo quy định của pháp luật về biển hiệu, không sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ trên biển hiệu và có đủ các thông tin cơ bản sau đây:

- Tên đầy đủ của cơ sở, số giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;

- Địa chỉ của cơ sở ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;

- Số điện thoại; Thời gian làm việc hằng ngày.

Trong khu vực tiếp đón của mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cấp giấy phép hoạt động phải thực hiện niêm yết bảng giá dịch vụ kỹ thuật, niêm yết giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và niêm yết danh sách người hành nghề.

Tân Hạ