"Em là ai mà lặng lẽ bay qua"

 ...Mùa xuân năm ấy, trở lại thủ đô Hà Nội, điều may mắn của tôi là bất ngờ được xem vũ kịch Hồ Thiên Nga-  Một tác phẩm ba lê nổi tiếng trên thế giới, đến mức bất cứ một đất nước nào dàn dựng thành công vũ điệu này, cũng được ghi nhận như một sự kiện, một niềm tự hào nghệ thuật lớn lao.

Và bây giờ ở đất nước ta, người xem đã được chứng kiến những cánh thiên nga bất tử của Traicốpxki, Bêghixtép và Ghenxte do chính những nghệ sĩ trẻ Việt Nam trình diễn. Trong đàn thiên nga ấy, có một đôi cánh như vút cao lên, làm lay động rạo rực mọi người xem, được ghi nhận như một ngôi sao, một tài năng xuất sắc của ba lê Việt Nam, là Ngô Kiều Ngân - Người được tín nhiệm trao vai chính Ođetta - Thiên nga trắng, và như “ luật lệ” của vở diễn, cũng đồng thời kiêm nhiệm vai Odila – Thiên nga đen - Hai nhân vật, hai tính cách tương phản, đối chọi, nhưng cùng xuất hiện trong vũ kịch, như đôi câu đối không thể thiếu một vế.

null
Ngô Kiều Ngân và Hà Thế Dũng trong vở "Hồ Thiên Nga".

 Trong vũ kịch lừng danh này, Kiều Ngân đã hoàn toàn chinh phục người xem. Không chỉ vì vẻ đẹp của hình thể (do những năm tháng luyện tập, gắn bó với nghệ thuật ba lê nhào nặn nên), mà trước hết, bởi những kỹ thuật ba lê điêu luyện, những động tác chuẩn xác, như từ mỗi cánh tay, mỗi ngón chân đều toát lên hương hoa của một tâm hồn phong phú, giàu sức biểu cảm. Tôi nhớ như in khi cánh màn nhung khép lại, cả nhà hát đã ào lên tiếng vỗ tay hết sức nồng nhiệt  vì thành công của vở diễn, vì một tầm vóc mới của ba lê Việt Nam, vì những tài năng mới của sân khấu ba lê Việt Nam.

 Với niềm ngưỡng mộ này, tôi đã tìm đến ngôi nhà riêng của Kiều Ngân trong khu nhà của Nhà hát, để hy vọng được nghe những tâm sự nghệ thuật của người nghệ sĩ trẻ . Lại cũng như một vế đối, nếu như trên sân khấu, Kiều Ngân lộng lẫy, rực rỡ bao nhiêu, thì ngoài cuộc đời, cô giản dị, khiêm nhường bấy nhiêu. Chiếc áo khoác vừa đủ giữ ấm thân thể, chiếc quần tập đã bạc màu, một khuôn mặt như nếu không lên sân khấu, hẳn sẽ chẳng bao giờ làm quen với son phấn …

 Cô mời tôi vào căn phòng của mình. Lại thêm một lần giật mình nữa. Căn phòng như mang bóng dáng của chủ nhân: khiêm nhường, thanh bạch. Đó là một căn phòng nhỏ, rất nhỏ, chừng 9m2, với những chiếc bục đã hết thời làm trang trí sân khấu, được kê lại làm bàn ghế tiếp khách.

 Thoáng thấy ánh mắt tôi ái ngại, Kiều Ngân mỉm cười:

- Bọn em mới ra trường, được như thể này cũng đã là diễm phúc...

Tôi chuyển sang câu chuyện nghệ thuật:

-Nghe nói quê hương Ngân ở Thái Nguyên ?

-Vâng. Quê em ở Thái Nguyên, nhưng em sinh ra ở Tuyên Quang.

- Thảo nào. “Chè Thái Gái Tuyên”. Ngân được cả hai

Mỉm cười:

- Bố em ngày trước cũng ở quân đội. Nên khi em đi thi tuyển vào trường nghệ thuật quân đội, bố em rất vui.

- Vậy chính quân đội  là "người" phát hiện ra Ngân và đưa Ngân vào ba lê ?

- Vâng. Trường Nghệ thuật Quân Đội.

 Kiều Ngân tiếp lời tâm sự:

 - Sau đó em được gửi sang học thêm bên trường Múa. Khóa học này của bọn em được một chuyên gia ba lê Liên Xô Káptanát - Nghệ sĩ nhân dân Môndavia hướng dẫn.

-Có phải đây chính là người nghệ sĩ đã cùng Kiều Ngân trình diễn khúc Adagiô trích đoạn Hồ Thiên nga ?

-Vâng.

-Tôi được biết chính người thầy này nhận xét:" Kiều Ngân là một trong những tài năng ba lê Việt Nam đạt trình độ quốc tế ?"

Kiều Ngân mỉm cười:

-Káplanát là một nghệ sĩ ba lê bậc thầy, rất ưu ái với các học sinh của mình. Được học tập với ông là một vinh hạnh,  được trình diễn cùng ông lại càng vinh hạnh hơn. 

 Lại nhìn quanh gian phòng nhỏ của Kiều Ngân... Vậy mà cánh thiên nga này vẫn bay lên một cách diệu kỳ đến như vậy. Chỉ có thể cắt nghĩa được bởi tình yêu nghệ thuật mãnh liệt trong tâm hồn người nghệ sĩ trẻ . Cùng với tình yêu, là một tài năng, một sự hy sinh, một sự hiến dâng cuộc đời mình cho Nhà hát, cho nghệ thuật  

 *

 Năm 1985, Nghị định Văn hóa giữa Việt Nam và Liên Xô được ký kết, với sự kiện “ Những ngày văn hóa Việt Nam" lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại Liên Xô, sẽ có đêm nghệ thuật hoành tráng của Việt Nam tại Nhà hát Lớn Moscow và nhiều nước Cộng hòa khác. “Tư lệnh” nghệ thuật của Việt Nam lúc bấy giờ là GS- TS Đình Quang,Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin. 

Thay vì những năm trước,  khi “ mang chuông đi đấm xứ người”, lực lượng nghệ thuật chính luôn là các dòng nghệ thuật dân tộc với sáo, bầu, t’rưng…cùng những vũ điệu dân gian, thì trong " Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên Xô " lần này, GS TS Đình Quang và lãnh đạo Bộ Văn hóa chủ trương giới thiệu nhiều hơn dòng nghệ thuật bác học - cổ điển, với sự biểu diễn của những tài năng nghệ thuật xuất sắc của Việt Nam, tạo nên một bức tranh nghệ thuật giàu màu sắc, phong phú và hài hòa giữa hai dòng nghệ thuật hiện đại và dân tộc để giới thiệu bộ mặt văn hóa hiện đại của ta. Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc Vũ Kịch Việt Nam được chọn làm chủ công, đảm trách đêm biểu diễn trang trọng tại Nhà hát Lớn Moscow.

 Cũng phải nói thêm rằng, giai đoạn này đất nước bước vào thời kỳ đổi mới với rất nhiều khó khăn. Vượt qua những khó khăn ấy, cùng những khó khăn riêng trong lĩnh vực nghệ thuật ( cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu thốn cả về con người và nhạc cụ...) Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc vũ kịch vẫn cố gắng thực hiện tốt hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Liên Xô, nhiều vở vũ kịch và nhạc kịch kinh điển nổi tiếng trong kho tàng nghệ thuật thế giới được chuyên gia bạn sang Nhà hát dàn dựng và công diễn, như bộ ba kịch múa Spastac, Giden, Hồ Thiên Nga... 

Nhiều tài năng nghệ thuật ballet của Nhà hát như những viên ngọc quý nhiều năm ẩn mình bỗng phát lộ ánh sáng rực rỡ : Kim Quy,  Lê An, Thúy Hạnh, Văn Hải, Anh Quân, Minh Thông..., và đặc biệt là đôi múa Kiều Ngân và Hà Thế Dũng được tuyển chọn về Nhà hát từ Trường nghệ thuật Quân đội. Trong vũ kịch Hồ Thiên Nga, đây cũng là cặp đôi đảm nhận những vai chính.

 Nhưng bất ngờ trước đấy, một tình huống éo le, có thể nói là nghiệt ngã đã xảy ra trong đêm tổng duyệt vũ kịch Hồ Thiên nga  tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nữ nghệ sĩ trẻ Ngô Kiều Ngân – Người đảm nhiệm vai chính Odette của Vũ kịch Hồ Thiên nga bị ngất xỉu khi đang biểu diễn- Một tình huống chưa từng xảy ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Xe cứu thương được hối hả điều từ bệnh viện Việt xô đưa Kiều Ngân vào bệnh viện cấp cứu. Mồ hôi lo âu vã ra trên gương mặt Thứ trưởng Đình Quang, Giám đốc Nhà hát Đoàn Long và nhiều vị lãnh đạo khác.

Tất cả đều hết sức lo âu cho số phận người nghệ sĩ tài năng, cũng như lo âu cho chương trình khi mọi người đều hiểu rằng: Khó có ai  thay thế và diễn xuất chói sáng như Ngô Kiều Ngân trong vũ kịch Hồ thiên nga ở thời điểm này. Nhất là ít ngày nữa vũ kịch và nhà hát sẽ đi làm nhiệm vụ quốc tế.Tình huống xảy ra với Kiều Ngân có lẽ bởi một sự nỗ lực luyện tập quá sức những ngày qua, cũng có thể do chế độ dinh dưỡng không đảm bảo cho người nghệ sĩ luyện tập và biểu diễn bởi cuộc sống rất khó khăn chung lúc bấy giờ. Thứ trưởng Đình Quang có một cử chỉ làm tất thảy nghệ sĩ xúc động: Ông trao tặng củ sâm duy nhất của mình cho nghệ sĩ Kiều Ngân để cháu sớm phục hồi sức khỏe!

 Rất may là cấp cứu kịp thời, rồi với những chế độ thuốc men và dinh dưỡng đặc biệt cho người đi làm nhiệm vụ quốc tế, Ngô Kiều Ngân nhanh chóng hồi phục, ngay tối hôm sau, cô vẫn tham gia  công diễn Hồ Thiên Nga, và  đã hoàn thành xuất sắc vai diễn. Tiếng vỗ tay của người xem vang dậy hồi lâu trong nhà hát. Và trên gương mặt lãnh đạo và đồng nghiệp, có những người thấm nước mắt vì thầm biết đêm trước chính người nghệ sĩ đảm nhận vai chính này vừa bị ngất xỉu trên sân khấu và phải đi cấp cứu. Có thể nói đó không chỉ là một tài năng lớn, mà còn là một nghị lực và một tinh thần trách nhiệm vô biên với nhà hát, với nghệ thuật

 Thời ngắn sau, Ngô Kiều Ngân, Hà Thế Dũng cùng” Hồ thiên nga” và Nhà hát  lên đường tham dự “Những ngày văn hóa Việt Nam” lần đầu tiên  được tổ chức tại Liên Xô. Giữa Nhà hát lớn Mát-xcơ-va và nhiều nước  Cộng hòa Moldova, Uzbekistan, Armenia… Hồ thiên nga chinh phục người xem bằng nghệ thuật bác học kinh điển đỉnh cao của châu Âu, bằng tài năng sáng chói của các nghệ sĩ nhà hát, và đặc biệt Ngô Kiều Ngân được báo chí bạn ngợi ca và tôn vinh là "Plisetskaya của Việt Nam." GS TS Đình Quang cho hay đó chính là những điểm sáng làm nên thành công rực rỡ  của " Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên Xô"

*

 Đôi dòng thêm về Ngô Kiều Ngân: Quê hương Thái Nguyên, nhưng sinh ra ở Tuyên Quang. Học Trường nghệ thuật Quân đội chỉ với ước mong làm một diễn viên quân khu đi biểu diễn phục vụ những người chiến sỹ. Lớp học K7 trường NTQĐ này là một lớp  học thành tích rất đặc biệt: Sau 4 năm, học viên đều trở thành những "hạt nhân”, những "hạt bụi vàng” cho các đoàn nghệ thuật quân đội . Đặc biệt khóa 7 đã đào tạo nên 3 nghệ sĩ được phong NSND( Nguyễn Ngọc Anh, Hà Thế Dũng, Ngô Kiều Ngân), 3 nghệ sĩ Quỳnh Anh(Quân khu 1), Lâm Nguyên, Ánh Tuyết (Quân khu 4) được Nhà nước phong danh hiệu” Nghệ sĩ ưu tú”. Có một nghệ sĩ là Phó giám đốc Nhà hát Quốc Gia ( Ngô Kiều Ngân- phó GĐ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam), hai nghệ sĩ là Chủ tịch hai Hội nghệ sĩ Múa lớn nhất nước (NSND Nguyễn Ngọc Anh- CT Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, NSND Hà Thế Dũng- CT Hội Nghệ sĩ múa TP HCM), một sĩ quan là Đoàn trưởng đoàn nghệ thuật Quân đội ( Đại Tá Nguyễn Ngọc Anh- Đoàn trưởng Đoàn PKKQ)...

 Báo chí  Nga ngày ấy từng gọi Ngô Kiều Ngân là " Plisetskaya của Việt Nam". Đó thực sự là  một cuộc đời nghệ thuật tuyệt vời. Một cô gái Thái Nguyên từ thuở 18, đôi mươi cho đến hôm nay luôn là một vẻ đẹp, một tài năng đáng kiêu hãnh, một cuộc sống giản dị, chân thành làm vị nể mọi đồng nghiệp, bạn bè..

*

Một nữ người bạn  thân thiết với tôi, từng là sĩ quan quân đội, từng  công tác trong ngành ngoại giao, lại cũng từng là nguyên mẫu cho một bản tình ca nổi tiếng đã viết:"Ballet là một bộ môn nghệ thuật hàn lâm đỉnh cao nhưng theo đuổi nó là cả một sự nhọc nhằn, gian khổ. Hồi 9-10t, em cũng mê đắm bộ môn này, nếu phụ huynh ko cản chắc cũng lao đi thi tuyển dù chả có lợi thế gì về hình thể.( Phụ huynh bạn là một sĩ quan cao cấp quân đội). Năm 1990, Ngô Kiều  Ngân và Hà Thế Dũng đang học tại Leningrad (Saint Petersburg), em đã mua vé xem đến 5 vở trọn bộ tại nhà hát Bolshoi ở Saint Petersburg, dù vé đắt và ko dễ mua, trong đó có Swan Lake, Giselle, Spartacus.....Và cho đến giờ, mỗi khi bật youtube xem ballet, vẫn thấy thổn thức vì vẻ đẹp độc nhất vô nhị của ballet..... Càng khâm phục hơn những nghệ sĩ theo đuổi ballet đỉnh cao vì sự lao động ko mệt mỏi của họ....."

Xin được kết thúc bài viết bằng những câu thơ cũng về Hồ Thiên Nga của một Nhà thơ- Nhà ngoại giao: Anh Tạ Minh Châu- Nguyên Đại sứ nước ta  nhiều năm tại Ba Lan,  và cũng là  Đại sứ nước ta tại Lào:

"Em là ai mà lặng lẽ bay qua

Bay bay mãi suốt dọc đời anh đó

Tưởng mất hút khi đã thành chấm nhỏ

Ngước mắt nhìn sao vẫn quá mênh mang "


 

Trương Nguyên Việt

Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/em-la-ai-ma-lang-le-bay-qua-a67721.html