Nơi ước mơ cất cánh

08/06/2023 14:10

Từ khi sinh ra cất tiếng khóc oe oe chào đời, theo dòng trôi cuả thời gian tôi càng cảm nhận được tình yêu thương bao la của cha mẹ dành cho mình.

ve-tranh-de-tai-truong-em-1682816957.jpg Ảnh minh họa

Dòng sữa ngọt ngào của mẹ đã nuôi dưỡng tôi nên hình hài xinh đẹp, bàn tay ấm áp của cha đồng hành dìu dắt tôi vượt qua những chặng đường đời gập ghềnh đá núi. Tôi cứ ngỡ chỉ cha mẹ mới mang lại cho tôi những tình yêu thương sâu đậm,chỉ có mẹ mới mang đến cho tôi dòng sữa ngọt lành,chỉ có mẹ mới có được lời ru nặng tình, nặng nghĩa, ấm áp, thủy chung..

Những ngày tháng đầu, rời vòng tay cha mẹ để đến trường đến lớp tiếp nhận sự giáo dưỡng từ thầy cô, tôi mới hiểu ra điều thiêng liêng thứ hai của cuộc đời mình... Tôi hiểu sâu sắc rằng những kiến thức từ cha mẹ là tình thương yêu ruột rà,thì kiến thức từ nhà trường thầy cô đã mở ra cho tôi một chân trời mới đưa tôi nhanh hòa nhập với cộng đồng, với thế giới rộng lớn bao la!

Những năm tháng học cấp một rồi lên cấp hai ký ức lấp lánh trong tôi vẫn nguyên vẹn và đẹp đẽ, những gương mặt thầy cô,những nụ cười tươi rói, những bảng đen phấn trắng, những mái trường mái lớp ẩn hiện, những cánh đồng thơm ngát, những con suối mát lành chảy quanh co dưới bàn chân tôi đồng hành cùng tôi đi qua nắng, đi qua mưa, đi qua bao mùa thương nhớ để đến với thầy cô với bạn bè...

Trong những ngày đẹp trời và cả những ngày u ám mây mờ phủ che trập trùng những dãy đồi,ngọn núi vẫn chứng kiến dõi theo bước đường đời của tôi gắn bó cùng các bạn. Từ lớp học đầu tiên cuối xóm, mà ở đó có những bàn tay nhỏ xíu loang đẫm mầu mực tím mực xanh, cầm bút còn rơi xuống đất...Rôì đến lớp học cuối làng xa hơn,lũ con gái đã biết dùng dây vải mầu buộc vào lọn tóc đuôi gà sau gáy...Tôi càng nhận ra các thầy các cô quan trọng với tôi biết nhường nào...

Nhưng phải đến năm lên học cấp ba, khi bề dày trầm tích giáo dưỡng của các thầy các cô đã đủ cho tôi ý thức được mình- "tôi ý thức nghĩa là tôi tồn tại"(Nietzsche)- Và tôi mới đủ lí trí để thăng hoa những cảm xúc chính mình về nhà trường về thầy cô, về bè bạn...

Vì là trường nội trú chúng tôi được ăn, ở và học tập tại trường,dãy nhà ở liền kề với lớp học được chia thành nhiều phòng, mỗi phòng có 15 người dưới sự hướng dẫn chỉ bảo của các thầy cô giáo. Cuối tuần chúng tôi mới được trở về nhà.Trường cách nhà tôi khoảng 4 cây số đường rừng,qua một con suối và một dòng sông, mang tên suối Dùng sông Mỏ Trạng. Ngôi trường nằm trên một gò đồi cao quanh năm cỏ mọc xanh rì sát con sông Mỏ Trạng êm đềm trong vắt mà suốt ba năm học nó gắn bó với chúng tôi như người bạn thân thiết, thủy chung. Nơi ở của tôi là một dãy nhà xây dài được chia làm bảy phòng,mỗi phòng là một lớp,chúng tôi được thầy cô bố trí xếp sắp cho ở phòng đầu tiên tính từ 1 đến 7, phòng đã có giường kê sẵn chúng tôi chỉ việc đến văn phòng nhận chiếu,còn chăn màn mỗi người phải tự túc mang đi. Lần đầu phải xa gia đình đến ở biệt lập một nơi khác và chịu sự quản lý của người khác là các thầy cô giáo chắc hẳn ai cũng có tâm trạng giống tôi. Nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ da diết, nhiều lần tôi lặng lẽ thu lu ngồi khóc một mình trong bóng tối, chỉ có tiếng nói, tiếng cười đùa của bạn bè mới làm tôi nguôi ngoai nỗi nhớ nhà.

Cuộc sống tập thể lâu dần cũng thành quen. Chúng tôi tự bảo nhau ăn ở gọn gàng ngăn nắp.Tôi còn nhớ như in buổi đầu đi học tôi được bố mẹ dành cho một chiếc xe đạp phượng hoàng nam, tôi thì thấp mà xe thì cao chân chẳng mấy khi chạm được tới bàn đạp. Có chị Xinh con nhà bác tôi,chị cao lớn hơn tôi,chị học rất giỏi lại biết đi xe đạp,thế là hàng tuần hai chị em tôi cùng đèo nhau về quê. Trường nội trú Thanh Niên Dân Tộc là một trường vừa học vừa làm, sáng học, chiều lao động bởi vậy trong suốt ba năm học chúng tôi trải qua các việc vừa phục vụ cho nhu cầu ăn ở vừa để có kinh phí xây dựng củng cố trường lớp, nào đóng cay,nào ươm cây giống, nào gánh nước tưới cây, nào vào rừng hái củi...Có thời gian đi lao động xa cả tuần trong khu rừng Xuân Lương- giáp ranh tỉnh Thái Nguyên- chặt nứa rồi đóng mảng xuôi dọc sông về trường đan phên lươn để che chắn phòng ở, phòng học khi trời muà mưa rét đang về. Những lần đi xa lao động vất vả đã tích hợp cho mỗi trò lòng dũng cảm và tình yêu thương... Tuy mỗi tháng chúng tôi cũng có phụ cấp gạo,thịt, rau,mắm muối nhưng chẳng thấm tháp vào đâu so với sức trẻ đang lớn từng ngày. Cuộc sống lao động vất vả,ăn uống kham khổ cơm độn sắn khô, vậy mà vẫn học giỏi, vẫn ca hát, vẫn khát khao mơ ước. Và  trong trường rất ít trò bỏ học.

Khi ngồi viết những dòng này, tôi như được trở về ngồi dưới mái trường Thanh Niên Dân Tộc thân yêu, được gọi tên các thầy cô, hân hoan nhắc lại những kỷ niệm tuổi học trò đầy mộng mơ, tươi mới. Tôi không thể quên hình ảnh cô giáo ngày nhập học. Lần đầu rời xa cha mẹ, xa gia đình cuộc sống tự lập biết bao bỡ ngỡ lo âu, lo vì không ai đỡ đần dìu dắt,lo vì bữa ăn giấc ngủ có được an lành?...Tất cả đã bình yên khi cô giáo chủ nhiệm ngọt ngào xuất hiện.

Cô tên là Nguyễn Thị Lục, dáng người cao to đậm đà, nụ cười luôn nở trên môi. Cô ân cần trìu mến lại gần chúng tôi hỏi tên từng người. Thấy tôi nhỏ bé nhất lớp cô kéo tôi vào lòng,chẳng biết có phải vì xúc động hay vì lý do gì mà hai hàng nước mắt tôi ứa ra, cô vừa cất tiếng thì tôi bỗng òa khóc nức nở,hỏi mãi tôi mới nói trong tiếng nấc “thưa cô, em nhớ mẹ!”. Cô ôm tôi vào lòng ôn tồn, vỗ về động viên tôi : “rồi các em sẽ quen thôi”...Rất nhanh nhẹn, cô đi lần lượt từng giường sửa sang lại chăn chiếu,mùng màn cho từng đứa, hỏi han sách vở, bút mực đã đầy đủ chưa. Những cử chỉ của cô thật gần gũi, thân thương đó chẳng biết đã loang sang tôi tự khi nào- và thật hạnh phúc khi đêm đó cô đã quyết định ngủ lại với chúng tôi. Hình ảnh cô như gà mẹ dang rộng đôi cánh chở che, ủ ấm đàn con lúc đêm về, sáng ra lại dắt díu đùm bọc đàn con trên lớp. Thường lệ,cứ mỗi đầu giờ học cô luôn dành vài phút mở đầu bằng những câu chuyện dân gian hài hước khiến chúng tôi cười vui, thú vị...  “Ơn cha mẹ như trời như biển/ơn thầy cô như ngọc sáng ngời”. Trong tiềm thức tôi luôn biết ơn và trân trọng...

Thời chúng tôi chỉ dùng đèn dầu thắp sáng,mỗi người ai cũng phải xắm một cái đèn con để học bài, tuy là vùng sáng nhỏ nhưng đủ lôi cuốn, đủ níu giữ lại chúng tôi ở lại đến bài học cuối cùng, riêng tôi vùng sáng đó vẫn còn leo lắt thổi bùng cho đến tận hôm nay. Dạo đó trường nội trú chúng tôi chưa có bảo vệ như bây giờ nên việc canh gác đi tuần đêm là rất quan trọng. Mỗi lớp phân công chia thành vài tổ nhóm thay phiên nhau trực dưới sự bảo ban của cô giáo chủ nhiệm. Từ những ca trực tôi nghe được câu chuyện đồn rằng ở gốc cây phượng gần lớp học, trước đây từng có người treo cổ tự vẫn nên mỗi lần đi qua khu vực đó là tôi cứ sợ nổi da gà. Đã thế những buổi tối học bài trên lớp còn bị đám thanh niên hư ở làng bên kia sông trêu tròng,chúng ném đá lên mái ngói vỡ loang lổ,có lần chẳng may tôi bị mảnh ngói vỡ bắn vào tay rớm máu, cả lớp nháo nhác chạy về phòng băng bó cho tôi. Nhưng có hôm cả phòng ngủ say rồi mà chúng cũng không tha, chúng ném đá như mưa- khiến chúng tôi rất bất an đứa nào đứa ấy run bần bật, vài ba đứa liều chạy trong đêm khuya đến báo bảo vệ nhà trường can thiệp thì chúng mới chịu im...

Nỗi sợ  hãi, nỗi lo lắng tuỗi mới lớn đã làm cho lũ chúng tôi càng gắn bó yêu thương nhau- phải chăng đó cũng là hương vị tuổi học trò...Là học sinh nội trú tuy ăn uống kham khổ,quanh năm bát cơm hầu như chỉ toàn sắn là sắn nhưng chẳng vì thế mà chúng tôi học kém đi, bù lại đứa nào đứa ấy vẫn phổng phao xinh đẹp chẳng kém gì gái Hà Thành.Ai không tin cứ vào phòng truyền thống của trường thì biết. Có một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên. Nhà trường hồi đó có một đàn trâu và trực tiếp giao cho lớp tôi cử ra một người đi chăn. Một hôm bạn đó đột xuất bị ốm, tôi được cô giáo cử đi chăn thay.

Hôm ấy thật đẹp trời, lùa đàn trâu ra đồi cỏ rộng mênh mông ở phía sau trường. Nhìn chúng ung dung gặm cỏ tôi lại nhớ đến con trâu của nhà tôi. Nhiều lúc tôi rất thèm được cưỡi lên lưng nó, nhưng mỗi khi tôi lại gần thì cái mũi nó lại kêu phì phì như muốn nói tôi không phải là chủ của nó, đành ngậm ngùi ngắm nó từ xa. Trong khi tôi đang tha thẩn mải mê nhìn ngắm những khóm sim, mua mọc rải rác trên đồi cỏ thì bất chợt con đầu đàn chui qua bờ rào ăn nham nhở vườn mía mới trồng của cô giáo, nhưng lúc ấy chẳng có ai trông thấy. Hôm đó tôi định bụng giấu nhẹm đi, nhưng cứ mỗi lần nhìn thấy cô giáo tôi lại cảm thấy mình như mắc lỗi, tôi áy náy day dứt không yên mặc dù cô vẫn luôn tươi cười như chẳng có gì xảy ra.

Đêm nào  tôi cũng trằn trọc thao thức không ngủ được,thế là sáng hôm sau nhân ngày cuối tuần được nghỉ tôi đã tự đi lấy phân trâu bón và vun xới cẩn thận cho các khóm mía bị lũ trâu xâm hại,rồi mới đến nhà thú nhận và xin lỗi cô. Tôi nói vừa dứt lời thì cô xoa đầu tôi ân cần: "Cố gắng học cho tốt em à, cây sẽ mọc khi mưa nắng thuận hòa,kiến thức cô trao cho em trên lớp cũng vậy, nếu em không tự mình cố gắng tiếp thu thì em sẽ chẳng thể giỏi lên được đâu”. Không ngờ câu nói của cô ngày nào đọng lại trong tôi không những đến ngày hôm nay mà còn vận vào tôi,thôi thúc tôi suốt cả cuộc đời.

Tôi thật tự hào và vinh dự khi thấy mình được là thế hệ học trò  năm thứ 60 của ngôi trường thân yêu- Trường nội trú Thanh Niên Dân Tộc Mỏ Trạng Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Tuy cuộc đời không gắn liền với Nhà giáo nhưng tôi luôn ghi nhớ sự dạy dỗ của thầy cô mà suốt đời tôi kính trọng và biết ơn...

Quê hương tôi, cha mẹ đã sinh ra tôi cùng với những ước mơ, và các nhà trường cùng các thầy cô giaó là nơi nâng niu cho ước mơ đời tôi cất cánh... 

Nông Thị Hưng
Bạn đang đọc bài viết "Nơi ước mơ cất cánh" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG.