Nhiều danh xưng công trình xanh nhưng áp dụng thực tế không nhiều

16/12/2020 14:15

Các chương trình tôn vinh giải thưởng công trình xanh đang tồn tại tình trạng đánh giá theo cảm tính, không có những tiêu chí định lượng cụ thể. Điều này đã “tiếp tay” cho nhiều công trình xanh “dởm” tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Trước đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có loạt bài phản ánh về tình trạng nhiều dự án bất động sản được chủ đầu tư "gắn mác" công trình xanh để bán hàng. Sau khi nhận được phản ánh của Tạp chí, Bộ Xây dựng cho biết sẽ công bố danh sách các dự án đã được chứng nhận là công trình xanh tại Việt Nam, đồng thời kiến nghị có chế tài xử phạt các chủ đầu tư có hành vi “khoác áo xanh” gây nhầm lẫn trên thị trường.

Để làm rõ hơn nữa về những bất cập trong quá trình chứng nhận công trình xanh, tổ chức các cuộc thi, trao giải thưởng công trình xanh tại Việt Nam, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc đổi với KTS.ThS Trần Thành Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư và Năng lượng bền vững.

-Thưa ông, theo số liệu từ IFC – Công ty Tài chính quốc tế, tính đến nay mới chỉ có 155 công trình đạt chứng nhận xanh, tuy nhiên trên thị trường lại xuất hiện nhan nhản dự án được quảng cáo là công trình xanh. Theo ông, làm thế nào để khách hàng tránh được “bẫy” công trình xanh của các chủ đầu tư?

Về các dự án bất động sản xanh, tôi cho rằng có tình trạng truyền thông đôi lúc quảng cáo hơi thái quá nhưng lại không cung cấp đủ thông tin về dự án, trong đó có tính bền vững môi trường của công trình. Điều này dẫn đến khách hàng không nhìn thấy được toàn bộ khía cạnh của dự án để có thể mặc cả với chủ đầu tư về giá và đánh giá chất lượng công trình. Thực tế khi mua hàng, họ chỉ đơn giản là bị thu hút bởi nhãn hiệu xanh nào đó mà chủ đầu tư đang có.

Những hướng dẫn cụ thể để khách hàng nhận biết được công trình mình mua có thực sự là công trình xanh hay không tôi sẽ chia sẻ chi tiết trong thời gian tới đây. Tuy nhiên, điều tối thiểu nhất mà người mua nhà nên hỏi chủ đầu tư lúc này là công trình đã xây dựng tuân thủ theo QCVN 09:2017/BXD do Bộ xây dựng ban hành hay chưa, có hồ sơ hợp chuẩn hay không? Bởi vì tiết kiệm năng lượng thì gần như đồng nghĩa với tiện nghi sống sẽ tốt hơn, chi phí vận hành cũng thấp hơn.

Trao đổi với PV Tạp chí Kinh tế Môi trường, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường trực Ban chấp hành Hội KTS Hà Nội cho rằng, người tiêu dùng cần được biết chi phí cho 1 m2 công trình xanh là bao nhiêu? Mua đúng giá hay không? Không thể mua danh nghĩa xanh không xứng với số tiền bỏ ra. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước phải giúp công chúng nhận diện một cách công bằng tránh chuyện đàm phán “dưới gầm bàn”, cho nhau xanh để dễ bán hàng hơn.

-Tại Việt Nam đã có Quy chuẩn 09 về sử dụng năng lượng hiệu quả tại các công trình, vậy tại sao lại xảy ra tình trạng các công trình không tuân thủ các chỉ tiêu về năng lượng, thưa ông?

Đây là một vấn đề khó xử lý tại Việt Nam. Tuân thủ quy chuẩn hay thực hành TKNL thực chất đều cần các yếu tố thưởng phạt rõ ràng để thúc đẩy và việc này liên quan tới nhiều cơ quan. Theo đó, Bộ Xây dựng là đơn vị quản lý về thiết kế, nhưng quản lý về tiêu thụ năng lượng lại thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương; Ưu đãi, vấn đề tầng cao, mật độ, thuế… cho công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh thì liên quan đến Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chúng ta có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 09 nhưng lại không có sự giám sát, không có cơ chế thưởng, phạt. Do đó, rất hiếm chủ đầu tư áp dụng quy chuẩn này. Để quy chuẩn được thực hiện nghiêm túc, phải thực hiện giống yêu cầu về PCCC cần có hồ sơ hợp chuẩn khi xin phép xây dựng và hồ sơ hợp chuẩn khi nghiệm thu công trình.

-Theo đánh giá của ông, trên thực tế, những công trình đã đạt chứng nhận xanh có thực sự xanh theo đúng các tiêu chuẩn đề ra?

Theo tôi được biết, có một số công trình đạt chứng nhận xanh rất thực chất. Bên cạnh đó, cũng có một số công trình mới chỉ đăng ký và có xác nhận đăng ký công trình xanh sau đó không thực hiện các bước tiếp theo như nộp hồ sơ thiết kế đi thẩm định, cũng không có tư vấn công trình xanh… nhưng đã đem chứng nhận đăng ký đi quảng cáo bán hàng, tự nhận là công trình xanh.

Tất nhiên không phải lúc nào cũng cần chứng nhận xanh, nếu chủ đầu tư bám theo các tiêu chí hướng dẫn tiết kiệm năng lượng, xây dựng theo hướng bền vững môi trường, như vậy thì cũng là xanh rồi. Nhưng họ cần lưu giữ các bằng chứng của các công việc đó để khách hàng hiểu hơn. Đây là cách để tiết kiệm chi phí nhưng khách hàng vẫn có thể thấy sản phẩm là thực chất.

-Thực tế là công trình xanh thu hút được sự quan tâm lớn từ khách hàng, chủ đầu tư thương mại hóa sản phẩm tốt, vậy tại sao số lượng công trình xanh được công nhận tại Việt Nam vẫn còn rất thấp?

Tôi cho rằng, việc này xuất phát từ 2 rào cản. Trong đó, rào cản thứ nhất rất nặng nề, chưa nói đến công trình xanh mà chỉ cần là công trình tiết kiệm năng lượng, các chủ đầu tư đã mặc định suy nghĩ phải tăng chi phí xây dựng, sau đó sẽ dần tiết kiệm trong giai đoạn vận hành. Thực tế không phải như vậy, công trình tiết kiệm năng lượng nếu được áp dụng kỹ thuật nghiêm túc thì chi phí sẽ thấp hơn và đồng vốn bỏ ra sẽ được sử dụng hiệu quả hơn rất nhiều so với cách làm hiện nay.

Vượt qua rào cản thứ nhất, các chủ đầu tư lại gặp phải khó khăn về nguồn nhân lực, gần như không có đội ngũ kỹ thuật đủ tốt để đưa ra các giải pháp tối ưu hóa chi phí công trình, mà vẫn đảm bảo tiết kiệm năng lượng, thậm chí đạt cả chứng chỉ xanh.

Nguyên nhân của vấn đề này là tại Việt Nam, chúng ta rất ít, thậm chí không đào tạo cho sinh viên, kiến trúc sư, kỹ sư về các công cụ đánh giá hiệu quả vận hành công trình, đi kèm với tính toán so sánh các phương án tài chính dài hạn, chẳng hạn như đánh giá theo vòng đời công trình khi thực hiện thiết kế. Và ngay cả đánh giá chi phí đầu tư giữa các phương án thiết kế khác nhau cũng làm rất sơ sài, chủ yếu ra quyết định theo kiểu cảm tính.

-Thời gian qua, rất nhiều giải thưởng công trình xanh được tổ chức, tuy nhiên hiện tượng gắn mác công trình xanh để quảng bá cũng khá phổ biến, làm thế nào để các chương trình này phát huy được đúng tinh thần thưa ông?

Tại Việt Nam, trong các cuộc thi, giải thưởng có tồn tại tình trạng đánh giá theo cảm tính. Đối với giải thưởng cho công trình xanh, tôi cho rằng cần đưa ra các tiêu chí định lượng cụ thể, cơ bản như chiếu sáng tự nhiên có đạt không, thiết kế chiếu sáng tự nhiên đã tốt chưa, đạt bao nhiêu %, sử dụng năng lượng công trình tiết kiệm bao nhiêu % so với mốc QC 09, TC ASHRAE 90.1…?. 

Tiêu chí chấm giải có thể tham khảo các tiêu chí có trong các bộ công cụ đánh giá công trình xanh đang được sử dụng tại Việt Nam. Nếu như chấm giải theo cảm tính dựa theo số lượng cây xanh hay giá trị về thẩm mỹ… thì rất khó để phát triển và bắt kịp các nước trên thế giới.

Xin cảm ơn chia sẻ của ông!

Vương Liễu