Nguy cơ từ mạng xã hội tiktok đối với tình hình an ninh trật tự

09/05/2023 13:09

Chính thức ra mắt tại Việt Nam từ tháng 4/2019. Chỉ trong vài năm, mạng xã hội TikTok nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng được yêu thích nhất, với khoảng gần 50 triệu người sử dụng mạng xã hội này.

Tác động tiêu cực đến môi trường mạng Việt Nam

TikTok là một mạng xã hội nổi tiếng của Trung Quốc, sử dụng các video âm nhạc được phát hành bởi app tin tức Jinri Toutiao sáng lập năm 2016 tại Trung Quốc. Mạng xã hội này có cách thức hoạt động khá đơn giản là trình chiếu các video ngắn từ vài giây đến 60 giây. Đây là một ứng dụng được khá nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, ứng dụng mạng xã hội TikTok cũng phát sinh nhiều tác động tiêu cực đến môi trường mạng Việt Nam:

Về mặt chính trị, an ninh, quốc phòng: Nguy cơ dữ liệu người dùng, các thông tin cá nhân nhạy cảm có thể bị TikTok thu thập, khai thác phục vụ mục đích thương mại, chuyển dữ liệu người dùng sang nước thứ ba. TikTok đã chuyển dữ liệu người dùng ở Việt Nam sang máy chủ tại Singapore nhưng biện minh là để lưu trữ dự phòng, sau đó dữ liệu của người dùng sẽ được đồng bộ và gửi về máy chủ tại trụ sở chính ở Trung Quốc. Thông qua việc thu thập dữ liệu về vị trí người dùng, kết hợp quyền truy cập camera và microphone trên thiết bị cài đặt, TikTok có thể trở thành công cụ do thám, ghi âm, ghi hình để theo dõi người dùng ở những khu vực có vị trí quan trọng hoặc cá nhân có địa vị trong xã hội, gây nguy cơ mất an ninh dữ liệu và xâm phạm quyền riêng tư.

1011-1683612430.jpg
Chỉ trong vài năm, mạng xã hội TikTok nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng được yêu thích nhất. Ảnh minh họa.

Các thế lực thù địch, tổ chức phản động, đối tượng chống đối cũng đang lợi dụng nền tảng mạng xã hội TikTok để tuyên truyền, tán phát các video hoặc quảng cáo có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ cá nhân/tổ chức, kích động bạo lực, hướng lái dư luận…

Về kinh tế: Tình trạng lừa đào, bán hàng giả, quảng cáo không chính xác về sản phẩm… trên TikTok Shop diễn ra tràn lan, gây thiệt hại cho người dùng và doanh nghiệp. Nhà nước có thể thất thu thuế do chưa có cơ chế hiệu quả để giám sát doanh thu và truy thu thuế đối với nền tảng mạng xã hội TikTok và TikTok Shop.

Về văn hóa, xã hội: Một số nội dung do người dùng TikTok đăng tải chứa nội dung độc hại, sai sự thật, bạo lực, khiêu dâm, gây hại cho người dùng nhất là đối với trẻ em. Các chuyên gia cảnh báo, việc tiếp cận với nhiều nội dung độc hại như vậy, có thể gây ra nhiều căn bệnh về tâm thần, suy giảm nhận thức, mất tập trung, kém trí nhớ…

101-1683612430.jpg
Nhiều video chứa nội dung độc hại được lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Việc TikTok phát triển mạnh mẽ số lượng người dùng tại Việt Nam, nhất là trong giới trẻ sẽ làm gia tăng nguy cơ “nghiện mạng xã hội”, ảnh hưởng xấu đến năng suất lao động và học tập; làm gia tăng vấn nạn học đường và trực tuyến ở Việt Nam, gia tăng các loại hình tội phạm nhằm vào thanh thiếu niên, nhất là trẻ em khi nhiều video có nội dung kích động, tiêu cực được chia sẻ rộng rãi trên TikTok.

Nhiều nước hạn chế TikTok

Hiện nay, nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới đã xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp hoạt động của các nền tảng mạng xã hội, tăng cường trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội trong việc quản lý nội dung trực tuyến, góp phần hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, hạn chế hành vi lợi dụng quyền công dân để đăng tải, tuyên truyền thông tin độc hại, gây mất an ninh, trật tự, xâm phạm ANQG trên không gian mạng.

AFP đưa tin Bộ trưởng Tư pháp Úc Mark Dreyfus ngày 4/4 cho biết nước này sẽ xóa ứng dụng TikTok khỏi tất cả các thiết bị do chính phủ liên bang sở hữu vì lo ngại về bảo mật. Cùng ngày, Văn phòng Ủy ban Thông tin Anh (ICO) cho biết đã phạt TikTok 12,7 triệu bảng Anh (340,4 tỉ đồng) vì vi phạm luật bảo vệ dữ liệu. Tháng trước, TikTok còn bị cơ quan kiểm soát cạnh tranh của Ý điều tra vì không thực thi quy định gỡ "nội dung nguy hiểm" liên quan những hành vi tự sát và tự làm tổn hại.

10-1683612430.png
Ông Shou Zi Chew - CEO TikTok trả lời các câu hỏi tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 23/3. Ảnh: Reporter.

Không chỉ tại Úc, TikTok còn bị cấm cài trên các thiết bị của chính phủ ở Mỹ, Anh, Canada và New Zealand. Ngoài ra, Pháp, Hà Lan và Ủy ban Châu Âu (EU) cũng đã có những động thái tương tự.

Vào năm 2020, TikTok nằm trong số những ứng dụng của Trung Quốc bị cấm tại Ấn Độ do lo ngại an ninh quốc gia. TikTok đã rút khỏi Ấn Độ và đến nay New Delhi chưa có động thái mới. Tại Afghanistan, sau khi giành quyền kiểm soát, lực lượng Taliban vào đầu năm 2022 tuyên bố cấm TikTok với lý do không muốn giới trẻ bị dẫn dắt sai đường.

Thời gian tới, nhiều quốc gia sẽ tiếp tục thắt chặt, kiểm soát các nền tảng mạng xã hội với quan điểm cứng rắn, gây sức ép, đe dọa áp dụng các lệnh cấm để buộc các nền tảng mạng xã hội phải tuân thủ các quy định pháp luật.

Bá Cao