
Báo cáo tài chính quý I/2023 của 28 ngân hàng hàng đầu Việt Nam đã công bố ghi nhận 7 ngân hàng để tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt ngưỡng 3%. Tổng nợ xấu của 28 ngân hàng này cũng tăng hơn 23% so với cuối năm 2022, lên mức hơn 172.000 tỉ đồng. Quý I cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu (NPL) đã tăng mạnh trở lại, đạt mức 1,93%, cao hơn so với giai đoạn trước dịch.
Số dư nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) của ACB trong quý I/2023 tăng 31,5%, lên 4.000 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 0,74% cuối năm 2022 lên 0,97% cuối tháng 3/2023. Tại VIB, số dư nợ xấu tính đến ngày 31/3/2023 của ngân hàng này là 8.347 tỷ đồng, tăng 47% so với cuối năm 2023. Nợ xấu của ngân hàng này theo đó cũng bị kéo từ mức 2,45% lên 3,64%.
Nợ xấu trong quý I/2023 của TPBank tăng 84%, từ 1.357 tỷ đồng lên gần 2.500 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng từ 385 tỷ đồng lên gần 1.200 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 64%; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 6%. Điều này khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của TPBank ở mức 1,45%, trong khi cuối năm 2022 là 0,84%.
OCB ghi nhận nợ xấu trong quý I/2023 tăng 51%, lên hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 3 tăng 54%, nợ nhóm 4 tăng 55%, nợ nhóm 5 tăng 49%; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 2,2% lên 3,3%.
Tương tự, một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu gia tăng. Nợ xấu tại Eximbank trong quý đầu năm 2023 tăng gần 30%, lên 3.047 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,8% lên 2,3% và dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng 7%; nợ xấu của MB là 8.452 tỷ đồng, tăng 68% so với cuối năm 2022, đưa tỷ lệ nợ xấu từ hơn 1% lên gần 1,76%.
Đối với các ngân hàng có vốn nhà nước, BIDV ghi nhận nợ xấu nội bảng tăng hơn 40% trong quý đầu năm 2023, lên 24.730 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 127%, nợ nhóm 4 tăng 59%, nợ nhóm 5 tăng 13%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,19% lên 1,59%.
Nợ xấu tại Vietcombank tính đến hết quý I/2023 tăng hơn 27% so với cuối năm 2022, lên 9.942 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 0,68% lên 0,85%.