Giải pháp nào xây dựng môi trường kinh doanh xanh?

04/06/2022 14:00

Để đáp ứng các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, việc hướng đến mô hình kinh tế xanh là yêu cầu tất yếu. Nhưng làm thế nào xây dựng môi trường kinh doanh xanh để phát triển nền kinh tế xanh?

Với mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ được môi trường, xu hướng thế giới đã chuyển sang tiếp cận giải pháp mô hình kinh tế tuần hoàn thay thế cho mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống; hướng tới phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, tái tạo tài nguyên theo chu trình khép kín, nhằm giảm thiểu tối đa xả thải ra môi trường, mang lại giá trị kinh tế - xã hội.

Đây là khởi nguồn cho khái niệm kinh tế xanh và đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Nhưng để tạo dựng và phát triển một nền kinh tế xanh thì trước hết phải xây dựng được một môi trường kinh doanh doanh xanh; trong đó hạt nhân là những doanh nghiệp xanh. Vậy, để xây dựng, thúc đẩy môi trường kinh doanh xanh thì cần những giải pháp nào?

nullNăng lượng là "đầu vào" của các lĩnh vực sản xuất. Do đó , việc chuyển đổi năng lượng trong quá trình sản xuất sẽ góp phần không nhỏ trong việc hình thành nền sản xuất xanh. (Ảnh minh họa).

Đưa Chỉ số Xanh vào bộ chỉ số khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)

Trước nhu cầu hướng đến mô hình phát triển kinh tế xanh và đáp ứng các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dự kiến sẽ bổ sung thêm Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) vào việc đánh giá PCI từ năm 2022. Theo đại diện của VCCI, trong bối cảnh, người dân và toàn xã hội đang rất quan tâm với bảo vệ môi trường và vấn đề phát triển bền vững; cũng như thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, chỉ số PGI sẽ là một trong những công cụ để thúc đẩy việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh ở Việt Nam.

vcci1-1654325804.jpgÔng Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI: "Trong thời gian tới, việc bảo vệ môi trường của Việt Nam không chỉ bằng những chương trình chung mà cần có các hoạt động cụ thể, trước hết là hoạt động về xúc tiến đầu tư, tạo lập các cách thức kinh doanh xanh thân thiện với môi trường”. (Ảnh: haiquanonline).

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, PGI là chỉ số đánh giá chất lượng môi trường cấp tỉnh, phản ánh mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp.

Qua đó cho thấy mức độ sẵn sàng đầu tư về môi trường tại các tỉnh và thành phố, nhằm cung cấp thông tin về chất lượng môi trường, sự hỗ trợ các địa phương trong việc sàng lọc các dự án đầu tư. Điều này tạo thêm động lực để các doanh nghiệp đầu tư theo hướng thân thiện môi trường.

PGI sẽ được triển khai ngay trong năm nay và được lồng ghép trong khảo sát PCI thông qua các hoạt động chính như phát triển bộ chỉ số, thực hiện khảo sát, phân tích kết quả, xây dựng báo cáo, công bố báo cáo và thúc đẩy việc thông tin tuyên truyền về PGI đến các địa phương. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương sẽ bắt đầu từ những việc làm cụ thể, gắn với các hoạt động sát sườn của doanh nghiệp. 

Ông Tuấn cho biết, trong giai đoạn tới một địa phương được coi là có môi trường kinh doanh chuyên nghiệp không chỉ phải đảm bảo về mặt thủ tục hành chính, thuận lợi về quy trình mà còn cần hướng đến môi trường kinh doanh xanh.

"Đó có thể là những dự án thân thiện với môi trường, những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng giải pháp công nghệ hay cách thức kinh doanh phát triển bền vững”, ông Tuấn nói.

Mới đây, VCCI đã khởi động chương trình về Chỉ số Xanh cấp tỉnh với sự tài trợ của nhiều đối tác liên quan như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các doanh nghiệp tư nhân. Theo lộ trình, trong năm 2022 – 2023, VCCI sẽ thảo luận về phương pháp và có các chương trình thí điểm về vấn đề này. Dự kiến trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có một bộ xếp hạng về chỉ số môi trường kinh doanh xanh. Đây sẽ là giải pháp mà VCCI tích cực đóng góp cùng với Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 năm 2050.

Thêm chính sách để phát triển doanh nghiệp xanh

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh cho mình. Từ việc sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội xanh, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất giảm thiểu chất thải và khí thải.

Đơn cử, từ tháng 4/2019 tại 14 Trung tâm thương mại và siêu thị LOTTE Mart trên toàn quốc, chiến dịch LOTTE Eco Green “Tôi hành động, bạn cũng thế” đã truyền cảm hứng tới đông đảo người tiêu dùng hạn chế sử dụng túi nilon và giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời, LOTTE Mart hướng tới mục tiêu trở thành siêu thị đầu tiên tại Việt Nam không dùng túi nilon.

Giải pháp nào xây dựng môi trường kinh doanh xanh? - Ảnh 3Sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường là giải pháp hướng tới mục tiêu gảm thiểu rác thải nhựa. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất túi nylon thân thiện với môi trường kỳ vọng Nhà nước có những chính sách khuyến khích thật hợp lý. (Ảnh minh họa).

Hay như Tập đoàn TH, vào tháng 5/2018, hệ thống cửa hàng TH true mart đã chấm dứt việc sử dụng túi nilon, thay vào đó sử dụng túi đựng sản phẩm với chất liệu sinh học thân thiện với môi trường. Để khuyến khích người tiêu dùng giảm thiểu túi nhựa, túi nilon dùng một lần khi đi mua sắm hay trong các hoạt động thường ngày, Tập đoàn TH đã tặng và sau đó chính thức bán túi vải canvas tại hệ thống cửa hàng TH true mart trên toàn quốc từ tháng 10/2020...

Tuy nhiên, để hướng tới môi trường kinh doanh xanh, các doanh nghiệp vẫn đang đối diện nhiều thách thức. Trong đó đáng chú ý nhất là sự thiếu hụt về chính sách phát triển doanh nghiệp xanh. Để "xanh hóa" kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ phải rót thêm một khoản vốn đầu tư ban đầu khá cao. Do đó, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với phát triển xanh.

Theo Ths. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp (Bộ Công thương), để phát triển doanh nghiệp xanh thì Nhà nước cần đưa ra chính sách phát triển sạch hướng tới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường. Mặt khác, Nhà nước cũng đóng vai trò người tiêu dùng lớn có tác động đến thị hiếu mua sắm và tiêu dùng sản phẩm, kích cầu các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Khi Nhà nước triển khai chương trình, sẽ thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững, tạo điều kiện cho nhà sản xuất đầu tư vào hoạt động bảo vệ môi trường, giúp giảm thiểu phát thải ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; giảm chi phí xử lý ô nhiễm môi trường; định hướng phát triển các ngành kinh tế xanh gắn với sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu và năng lượng, bảo tồn và gia tăng giá trị vốn tự nhiên, nâng cao chất lượng sống.

Theo Ths. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp (Bộ Công thương), để xây dựng môi trường kinh doanh xanh thì một trong những giải pháp cần triệt để thực hiện là phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực thi trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp là hết sức cần thiết và phải được chú trọng. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng trong việc lên tiếng bảo vệ người tiêu dùng trước những hoạt động sản xuất - kinh doanh, những sản phẩm có hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Khánh Thư
Bạn đang đọc bài viết "Giải pháp nào xây dựng môi trường kinh doanh xanh?" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG.