Ai được lợi trong “cuộc chiến” về giá của các doanh nghiệp công nghệ?

25/05/2023 08:06

Một tháng qua các hãng điện thoại di động “đua nhau” triển khai chiến dịch đại giảm giá. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng “cuộc chiến” sẽ không có lợi cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

top-5-dien-thoai20230524084023-1684893374.jpg

Thị trường điện thoại di động trăm hoa đua nở, từ các cửa hàng có thương hiệu lớn, đến các cửa hàng nhỏ, mức giá cũng vô cùng cạnh tranh. Đơn cử, nếu như ở Thế Giới Di động (MWG) hay FPT Shop bán Iphone 14 bản 128GB Promax có giá 32 triệu đồng, thì ở một số cửa hàng nhỏ cùng bản giá bán 27-28 triệu đồng.

Khảo sát người tiêu dùng, đa phần khách hàng đều thích mua dòng điện thoại Iphone xách tay hơn là nhập khẩu chính ngạch, thậm chí các dòng điện thoại của Trung Quốc hay Samsung (Hàn Quốc), mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ đều nhanh gọn, giá thấp hơn. Vì thế, doanh số của các cửa hàng lớn vài năm trở lại đây đều sụt giảm.

Báo cáo thị trường smartphone Quý 1/2023 khu vực Đông Nam Á do công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research (CR) cho biết, doanh số xuất xưởng (Smartphone shipments) tại 5 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam và Malaysia đã giảm 13% so với cùng kỳ do nhu cầu thấp và giảm theo mùa vụ.

Tất cả các quốc gia kể trên đều chứng kiến sự sụt giảm trong Quý 1/2023. Trong đó, Indonesia giảm 7% so với cùng kỳ, Philippines giảm 10%, Thái Lan giảm nhẹ 1%, Malaysia giảm 29% và Việt Nam giảm mạnh nhất 30 % so với cùng kỳ năm 2022.

Hồi tháng 3/2023, MWG ghi nhận doanh thu tháng 3/2023 giảm mạnh đạt gần 8.000 tỷ đồng, chỉ ngang với giai đoạn năm 2019. Nguyên nhân là do sức cầu của thị trường quá yếu.

Để ứng phó với sự sụt giảm mạnh về nhu cầu, MWG đã “tiên phong” hạ giá xả hàng ngay thềm Lễ 30/4-1/5. Tiếp sau đó, trước sự sụt giảm mạnh doanh thu, thị trường đang co hẹp lại, các ông lớn như FPT shop, CellPhoneS, Di động Việt… cũng đồng loạt đưa ra chiến dịch cạnh tranh về giá với MWG.

Có thể nhắc lại, ngày 28/4, MWG rầm rộ phát động chiến dịch “Giá rẻ quá”, trong đó Tivi, hàng điện gia dụng giảm sốc đến 50%. Thậm chí, một số mặt hàng được bán với “giá rẻ như cho”, bao gồm 20.000 chiếc chảo với giá chỉ 10.000 đồng/chiếc, 1.000 sạc dự phòng giá 10.000 đồng/chiếc...

FPT Shop cũng không đứng ngoài cuộc với khẩu hiệu “Ở đâu rẻ quá” ở đây “Rẻ hơn”. CellPhoneS cũng lên chiến dịch khuyến mãi nhưng chỉ dừng lại ở các phụ kiện điện tử; Di động Việt với Slogan gây chú ý “Rẻ hơn cả các loại rẻ”….

Giới chuyên gia đánh giá rằng, “cuộc chiến” về giá nghe tưởng chừng sẽ có lợi cho khách hàng, nhưng thực tế trải nghiệm khách hàng thì có thể là “không”. Còn ở phía doanh nghiệp cũng chạy theo giá dễ dẫn đến hiệu quả, năng suất kinh doanh không được cao.

Bởi việc tập trung vào cuộc “chiến” giá để đem tới giá tốt nhất cho khách hàng, nhưng thực tế MWG đang giảm nhiều hơn mức giảm của thị trường. Như vậy có thể thấy, cuộc chiến này đang đang làm giảm hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Luỹ kế 4 tháng đầu năm, tổng doanh thu MWG là 36.847 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 27% kế hoạch cả năm. MWG cho biết, hai chuỗi điện thoại điện máy đem về 27.500 tỷ đồng sau 4 tháng, giảm 30% so với cùng kỳ, lớn hơn so với mức giảm của tổng doanh thu toàn Công ty.

Tuy nhiên, riêng tháng 4/2023, MWG ghi nhận doanh thu toàn Công ty đạt gần 9.900 tỷ đồng, trong đó doanh thu điện thoại điện máy khoảng 7.300 tỷ đồng, tăng tương ứng 23% và 30% so với tháng 3/2023.

Di động Việt xuất phát điểm là bán lẻ các sản phẩm công nghệ, so với FPT Shop và Thế giới Di động vẫn còn khá khiêm tốn về độ phủ cũng như độ nhận biết thương hiệu. Mặc dù tung ra chiến dịch “Rẻ hơn các loại rẻ”, nhưng vị CEO của Di động Việt vẫn tuyên bố “Di Động Việt không cạnh tranh bằng giá, mà cạnh tranh bằng giá trị”.

 

Lan Khuê